Bà Nội tôi năm nay đã gần 100 tuổi, bà vẫn sống khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường. Trí nhớ của bà vẫn tốt vô cùng. Ngày trẻ, nghe nói bà rất đẹp gái. Bà kết hôn với một ông trong làng, sinh hạ được một người con. Không may con bà chết. Thế là bà bỏ luôn người chồng nhu nhược và bà mẹ chồng cay nghiệt mà đi buôn bán làm ăn xa. Gặp ông nội, hai người kết hôn và sinh ra ba người con. Tưởng cuộc đời bà được an hưởng hạnh phúc từ đó. Nhưng không, đó mới là sự khởi đầu trong chuỗi ngày bất hạnh của cuộc đời bà.
Ông nội bị người ta vu cho là theo tây, bị chính quyền bắt và nhốt vào nhà lao. Các anh em họ hàng của ông nội cũng bị chính quyền cách mạng bắt chói, đánh đập và bắt đi tù vì tội … là địa chủ! Ông nội bị bỏ đói nhiều ngày trong ngục, suất cơm tù của ông bị cai ngục ăn chặn hết. Bà nội đến thăm nuôi ông thì bị chúng trêu trọc, sàm sỡ. Và ông đã ra đi vĩnh viễn trong đói đói khát cơ cực trong tù.
Cuộc đời bà nội những năm ấy cơ cực trong đói khát, tủi cực vô cùng. Rồi bà mang thai cô tôi với một người đàn ông góa tới ba đời vợ. Họ hàng nhà ông nội kiên quyết bắt bà nội tôi phải vứt bỏ đứa con đó nếu không phải bước ra khỏi mảnh đất của dòng họ, và tuyệt đối không được quay về. Bà nội không nhẫn tâm ghiết bỏ cô tôi. Con nào thì cũng là con. Và cô tôi còn là niềm hi vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế là bà nội bị cả họ đuổi ra khỏi căn nhà của mình. Bà đem cô em út của bố tôi theo vì cô còn quá nhỏ. Bà đã tái giá cùng người cha của cái thai trong bụng. Để lại ở quê, bố tôi và bác tôi vẫn còn là hai đứa bé mới tự biết ăn, tự biết ngủ. Bà cô em gái ruột ông nội đã lấy chồng, nhưng không có con. Thấy hai đứa cháu ruột bơ vơ tội nghiệp, bố chết mẹ đi lấy chồng. Bà bỏ về nhà bố mẹ đẻ nuôi hai người cháu.
Bà nội tôi lấy chồng và sinh thêm hai chú nữa. Bác tôi thì có một cuộc đời riêng bất hạnh, lại sinh sống và lập nghiệp ở nơi xa. Có khi vài năm không về thăm quê một lần. Bố tôi thì đã qua đời từ hơn ba mươi năm nay. Cô tôi thì lấy chồng nghèo, lại sinh ra tới bẩy người con. Một người con còn bị di chứng chất độc màu da cam và bị ngớ ngẩn, nên cũng chẳng có gì phụng dưỡng được bà nội. Nếu bà nội tôi không bước đi thêm bước nữa, thì đến bây giờ ai là người chăm sóc, phụng dưỡng bà nội? Người chồng của bà nội đã qua đời từ rất nhiều năm trước. Khi nghĩ về chuyện xưa, bà vẫn òa khóc. Bà than số mình khổ, sát chồng, sát con! Bà hận người đã vu cho ông nội theo tây, để rồi ông đã chết khi bà còn quá trẻ. Để cuộc đời bà trở lên trôi dạt, lênh đênh. …
Tác giả: Phạm Thị Hợi
Xem thêm các bài viết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét